Thái tử nhà Đường Đường_Túc_Tông

Con thứ được lập

Năm 737, Hoàng thái tử Lý Anh cùng hai hoàng tử là Ngạc vương Lý Dao, Quang vương Lý Cư bị tố cáo có mưu đồ tạo phản, bị đưa đi lưu đày rồi bị giết[11]. Khi đó, do Võ Huệ phi được sủng ái và có quan hệ mật thiết với Tể tướng Lý Lâm Phủ, nên Lý Lâm Phủ chủ trương đưa con Huệ phi là Thọ vương Lý Mạo làm Hoàng thái tử, do đó khiến Huyền Tông do dự rất nhiều. Mãi đến một năm sau, sau khi nghe lời khuyên giải của hoạn quan Cao Lực Sĩ, Huyền Tông quyết định lập người con trai lớn tuổi nhất, tức Lý Dư.

Cuối cùng, ngày Canh Tý tháng 6 năm 738, Lý Dư được phong làm Thái tử, đổi tên là Lý Thiệu (李紹). Tuy nhiên ông cho rằng chữ Thiệu trùng với tên của nghịch tử thời Lưu TốngLưu Thiệu đã giết Tống Văn Đế để đoạt ngôi, do đó xin đổi tên là Dư như cũ. Sang năm 744, ông được ban tên mới là Lý Hanh, và đây cũng là tên kị húy của Túc Tông. Vợ ông là Vi thị được phong làm Thái tử phi.

Tranh chấp với Lý Lâm Phủ

Do Lý Lâm Phủ ủng hộ Thọ Vương Lý Mạo, nên việc Lý Hanh được lập khiến ông ta không hài lòng, luôn tìm cớ hãm hại ông. Vào năm 746, anh trai của Thái tử phi Vi thị là Vi Kiên do có tranh chấp quyền lực với Lý Lâm Phủ, nên tố cáo Vi Kiên cùng Hoàng Phủ Duy Minh lén lút gặp thái tử ở một ngôi chùa mà không để cho ai biết; lại sai người tố cáo rằng Lý Hanh có mưu đồ xưng đế. Huyền Tông nghe xong nổi giận, liền bắt giam Vi Kiên và Hoàng Phủ Duy Minh. Tuy nhiên sau đó Huyền Tông nghĩ tới việc trước đó từng giết ba con, không muốn sự việc tương tự tái diễn, nên chỉ hạ lệnh đày hai đại thần khỏi triều đình. Lý Hanh được xét vô tội.

Tuy nhiên sau đó, hai người em của Vi Kiên là Binh bộ ngoại lang Vi Chi, Tương tác thiếu tượng Vi Lâm dâng tấu kêu oan cho anh, trong bản tâu ghi rằng thái tử cũng đứng ra bảo vệ cho Vi Kiên. Đường Huyền Tông lại nổi cơn thịnh nộ, bèn cho đày tất cả thành viên trong gia tộc họ Vi xuống phương nam[12]. Bản thân Lý Hanh cũng lâm vào thế bí, đành dâng sớ xin ly hôn với thái tử phi Vi thị và đàn hặc anh em họ Vi. Vi thị phải xuống tóc và làm ni cô trong chùa.[13]. Sang năm sau, nhiều đại thần bị lưu đày cùng anh em họ Vi bị ép phải tự sát.

Cùng năm đó, một sự việc khác lại xảy ra làm lung lay ngôi thái tử của Lý Hanh. Nguyên Lý Hanh có người thiếp là Đỗ thị, con gái đại thần Đỗ Hữu Lân. Con rể Đỗ Hữu Lân là Liễu Tích do có mâu thuẫn từ trước với nhà họ Đỗ, bèn vu cáo Đỗ Hữu Lân lập bùa phép trù ếm Huyền Tông để thái tử sớm được lên ngôi. Lý Lâm Phủ chớp cơ hội, lập tức xin Huyền Tông cho điều tra. Cuối cùng Đỗ Hữu Lân cùng đại thần khác là Vương Tằng bị đánh cho tới chết. Sau đó, Lý Lâm Phủ còn hãm hại Lý UngBùi Đôn Phục, hai đại thần khác cùng cánh với Lý Hanh, cũng sai đánh chết hai người.

Không lâu sau, mùa hạ năm 747; do có mâu thuẫn từ trước với đại thần Vương Trung Tự và cũng là để đối phó với thái tử, Lý Lâm Phủ lại tố cáo Vương Trung Tự có mưu đồ ép Huyền Tông thoái vị, đưa Lý Hanh lên ngôi. Huyền Tông cả giận, bèn giáng chức của Vương Trung Tự; vua Đường còn muốn giết luôn Vương Trung Tự, nhưng sau đó bỏ ý định. Về sau, Lý Lâm Phủ cũng nhiều lần muốn hãm hại ông, nhưng hoạn quan Cao Lực Sĩ, người thân cận với Huyền Tông lại ra sức bảo vệ ông, Lý Lâm Phủ chẳng làm được gì.

Tranh chấp với An Lộc Sơn

Từ giữa những năm Thiên Bảo, Đường Huyền Tông trọng dụng đại tướng người Hồ là An Lộc Sơn.[14] An Lộc Sơn là một người có dã tâm, nhưng để lấy lòng Huyền Tông, hắn thường tỏ ra vụng về và khờ khạo, nên Huyền Tông càng tin dùng hơn. Vào năm 747, khi An Lộc Sơn đến triều yết nhà vua, gặp được thái tử, nhưng lại không thèm thi lễ với ông, khiến Lý Hanh rất bực tức. Khi được hỏi, hắn nói chỉ biết trung thành với Hoàng đế chứ không cần biết ai khác. Sau khi được Huyền Tông cho biết thái tử là hoàng đế trong tương lai, An Lộc Sơn vô cùng hoảng sợ, từ đó cho rằng Lý Hanh đã có ác cảm với mình, và lo lắng cho tương lai của hắn sau khi Huyền Tông qua đời, nên gấp rút chuẩn bị lực lượng để phòng bị về sau[15].

Sau khi Lý Lâm Phủ chết 752, Dương Quốc Trung anh họ của Dương Quý Phi (sủng thiếp lúc đó của Huyền Tông)[16], được bổ làm tể tướng. Dương Quốc Trung và Lý Hanh vốn đối đầu nhau, nhưng lại cùng lo lắng khi thấy thế lực của An Lộc Sơn phát triển quá nhanh. Dương Quốc Trung nhiều lần bẩm báo việc này, xin Huyền Tông đề phòng nhưng trước sau nhà vua không chịu nghe, mặc dù Lý Hanh cũng đồng ý với đề nghị trên.